Cách Hà Nội 95km, khu du lịch sinh thái Tràng An là một quần thể danh lam - thắng cảnh được các nhà khoa học ví như một "bảo tàng địa chất ngoài trời" với nhiều hang động, núi non, thung nước, rừng cây và các di tích lịch sử nằm xen kẽ nhau.
Khu sinh thái hang động Tràng An là một trong những danh thắng của Việt Nam ứng cử di sản thiên nhiên thế giới. Toàn bộ khu hang động này chủ yếu thuộc huyện Hoa Lư và một phần phía tây bắc thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình.
Du khách xuống thuyền thăm Tràng An. Không gian mở ra đầu tiên là cả một vùng non nước mây trời khoáng đạt. Đáy nước trong xanh in sắc núi. Trên những rừng cây tự nhiên là nơi trú ngụ của nhiều loài chim thú. Toàn vùng Tràng An là bạt ngàn không gian sơn thủy hữu tình. Bức tranh thiên nhiên ở đây thông thoáng, êm ái, thanh cao, tươi tắn mà vẫn tạo vẻ khêu gợi đầy hấp dẫn, sinh động. Tràng An có 31 thung, 48 hang động xuyên thuỷ đã được phát hiện trong đó có những hang xuyên thủy dài 2.000m như hang Địa Linh, hang Sinh Dược, hang Mây…. Mỗi hang một vẻ.
Trong các hang có nhiều nhũ đá không ngừng biến đổi. Những giọt nước chảy ra từ trần hang làm không khí trong hang mát lạnh. Hang Tối có lòng hang rộng hẹp biến đổi bất ngờ. Hang Sáng, mọi thứ đều sáng long lanh với những nhũ đá pha cát óng ánh kỳ lạ. Hang Nấu Rượu và hang Cơm gần đó với truyền thuyết ngày xưa có một ông khổng lồ nấu rượu ở đây, mang rượu và cơm ra núi ngồi ăn. Vòng qua hang núi Cơm, sang hang Vồng, ở đây có cây si cổ thụ rễ chùm cả miệng hang. Từ đây sang hang Láng, hang Ao Trai, giữa hang Ao Trai, lòng hang phình ra khoảng 30m.
Không giống như ở Tam Cốc, Tràng An có thể tạo thành hành trình xuyên thủy khép kín mà không phải quay ngược lại. Các hang động ở đây lớn, dài và được những tác động của tự nhiên không ngừng biến đổi rất kỳ ảo. Quần thể hang động này được ví như một trận đồ bát quái. Các dãy núi, thung nước và hang động tạo thành một thế trận liên hoàn vào được mà không ra được nếu không phải là người am hiểu địa hình sở tại. Mỗi thung là một bức tranh thủy mặc khác nhau về thế núi, dáng núi và hồ nước. Mây trời, non xanh, núi biếc hòa quyện với nhau, thoắt ẩn, thoắt hiện. Ðiều diệu kỳ ở đây là các thung được nối liền với nhau bởi các gạch nối là các động xuyên thủy có độ dài, ngắn khác nhau. Những hang, động này chuyển tải nước đối lưu chảy thông từ khe núi này đến khe núi kia. Núi giăng thành luỹ bao bọc quanh hồ nước và ở giữa nổi lên khu đất với rừng cây mọc thành đảo.
Tràng An có hệ thống núi đá vôi và hang động tự nhiên hết sức đa dạng. Dưới chân các núi đá vôi, nhiều nơi còn có các hàm ếch, là dấu tích của biển. Chính vì vậy vùng núi đá vôi Hoa Lư – Ninh Bình còn được gọi là “Hạ Long trên cạn”. Đặc điểm này tạo cảnh quan nhiều dãy núi đá vôi thấp trùng điệp bao quanh các thung lũng là những hồ nước nối tiếp nhau, vừa hùng vĩ vừa nên thơ. Khu Tràng An có 50 hang nước và 50 hang khô tập trung thành cụm với cấu tạo theo tầng lớp và liên hoàn do dấu vết thời kỳ biển tiến, biển thoái nên nước xâm thực, liên thông các hang động với nhau. Ở đây là các thung được nối liền với nhau bởi các động xuyên thủy. Những hang, động này chuyển tải nước đối lưu chảy thông từ khe núi này đến khe núi khác.
Phủ Khống là nơi thờ 7 vị quan trung thần triều Đinh, gắn với các truyền thuyết khi vua Đinh Tiên Hoàng băng hà.
Hang động Tràng An xưa chính là hệ thống phòng thủ phía Nam của kinh thành Hoa Lư. Tại đây còn khá nhiều di tích lịch sử mà du khách sẽ gặp trên chặng đường hành hương. Trong đó tiêu biểu như Phủ Khống - nơi thờ 7 vị quan trung thần triều Đinh, gắn với các truyền thuyết khi vua Đinh Tiên Hoàng băng hà. Tại đây còn cây thị nghìn năm tuổi mà quả có 2 loại: 1 tròn và 1 dẹt. Đền Trần: là nơi thờ trung vương tướng Trần Quý Minh, viên tướng trấn ải Sơn Nam thời Hùng Vương thứ 18. Đền Trình: là nơi thờ 2 giám quan mà dân gian cho rằng các ông đã canh gác tại khu vực này.
Khi nạo vét ở các hang động phát hiện được các di tích từ thế kỷ thứ 10. Có khu vực với rất nhiều phế tích quan trọng khẳng định nơi đó là nơi sinh hoạt của các phân quyền ngày xưa ở thế kỷ thứ 14, nhà Trần như nồi gốm, các bát đĩa cổ. Các phế tích này rất giống với các phế tích tìm thấy ở Hoàng thành Thăng Long.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét