Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2014

Món bún nghệ dân dã mà ngon, lạ miệng, lại đậm đà chất cố đô. Chẳng được xếp vào hàng đặc sản của Huế, nhưng vài năm trở lại đây, món bún nghệ xào lòng heo đơn giản chẳng thể đơn giản hơn, đã lọt vào mắt xanh của rất nhiều du khách sành ăn mỗi lần ghé thăm vùng đất cố đô này.

Lang thang trên đường Trần Quang Khải (Huế), là khu vực quy tụ những quán bún nghệ ngon nhất, du khách không cần đắn đo lựa chọn, có thể té tạt vào bất cứ quán nào mà vẫn yên tâm được thưởng thức trọn vẹn mùi vị của món ăn thể hiện nghệ thuật ẩm thực pha trộn tài tình của người dân Huế.
Tôi lân la hỏi chuyện một cụ bà được đánh giá là “cao tay” nhất trong hàng đầu bếp nấu bún nghệ tại Huế, mới biết rằng để có một món bún nghệ hấp dẫn, phải đáp ứng được rất nhiều tiêu chuẩn: sợi bún mềm, không nhão hay quá khô, nghệ có màu vàng tươi và thơm, lòng heo phải biết chọn loại ngon, làm sạch, rồi mới có thể chế biến...

Thấy tôi có ý hỏi rõ ràng xem cần ít hay nhiều, cụ thể là bao nhiêu cho từng loại nguyên liệu, cụ bà mỉm cười nói rằng chẳng thể cân đo đếm, một tô bún nghệ ngon chủ yếu dựa vào độ tài tình ước lượng của người nấu, nhưng thành phần chủ đạo của món ăn này được đặt vào nghệ.
Nghệ tươi và già là những củ vỏ bóng, nhẵn nhụi, bằng đầu bằng đuôi, dùng tay cấu một đầu nghề thấy màu vàng đậm và gần như không chảy nước. Đem nghệ tươi đi gọt sạch vỏ, ngâm nước để không mất màu, giã hoặc xay đều được nhưng phải đảm bảo nghệ nát đều, không quá to, quá nhỏ.
Còn về khâu chọn lòng heo cũng cực kỳ quan trọng, không biết cách mua lòng sẽ bị dai và đắng. Nên chọn lòng còn trắng, hơi hồng tươi, thành dày. Nếu lòng có dịch vàng thì rất dễ đắng, còn nếu thành mỏng thì lại dễ bị dai. Lòng mua về phải chà muối mấy lượt cho sạch, lộn cả trong lẫn ngoài rồi xát chanh hoặc dấm. Trần qua nước sôi, xát chanh lần nữa, rồi cắt khúc khoảng 2-3cm.

Ngoài lòng heo và nghệ, những loại gia vị không thể thiếu cho một tô bún nghệ ngon chính là tiết heo trần qua nước sôi, cắt miếng vuông, lá hẹ cắt khúc, hành tím băm nhỏ và rau răm.
Phi hành mỡ thật thơm, cho lòng heo, tiết heo vào đảo đều, cho tiếp nghệ và nêm nếm nước mắm, muối, đường… cho vừa miệng. Tới khi lòng vừa chín, cho bún vào đảo thật nhanh tay thêm khoảng 3 phút, rồi rắc hẹ và tiêu. Bún nghệ xào xong chỉ có vị thanh của nghệ mà lòng không đắng, sợi bún vàng tươi và bốc khói thơm lừng.

Hoàn tất công đoạn chế biến, bún nghệ được múp vào tô hay đĩa, thêm nước mắm, rau răm, ớt tươi, tương ớt… tùy khẩu vị của từng người. Món bún nghệ thành công sẽ đem đến vị béo của lòng heo, mát của tiết heo, mềm dẻo của sợi bún, thơm của rau răm, ngậy của nghệ và đặc biệt là vị cay nồng của ớt - cực kỳ đặc trưng trong ẩm thực Huế.
Đến Huế, ngoài việc tham quan những cung điện, lăng tẩm của các bậc đế vương bạn đừng quên thưởng thức những món đặc sản của vùng đất cố đô. Trong số đó, có một món ăn không chỉ hấp dẫn với du khách nước ngoài đến với Việt Nam, mà còn ngày càng được phổ biến ở nhiều quốc gia nơi có người Việt sinh sống, đó là: cơm Âm Phủ.
Quán cơm Âm Phủ trước đây là một quán nhỏ được mở ở vùng Đất Mới, nơi nổi danh một thời với sân vận động Tự Do hay còn có tên là sân Bảo Long. Dưới thời vua Bảo Đại đây là một sân vận động độc đáo với vòng chảo đua xe đạp. Ban đầu, quán chỉ bán một món cơm bình dân duy nhất được trộn lẫn các loại chả, nem, thịt nướng, tôm cháy, dưa gang, dưa chuột...dùng kèm với nước mắm pha loãng. Khách hàng chủ yếu là những người lao động nghèo, các phu kéo xe hay những người đi xem hát về khuya. Cũng chính vì quán hoạt động trong đêm khuya dưới những ngọn đèn mờ ảo nên dần dần tên gọi Âm Phủ ra đời. Và cho đến năm 1939 khi sân vận động Tự Do tổ chức những giải thi đấu thì quán cơm này đã khá nổi tiếng, trở thành địa chỉ tụ họp những người đến bàn luận hay cá cược về các cuộc thi đấu.
Lần đầu tiên thấy tên “Cơm âm phủ” trên thực đơn, có thể bạn sẽ giật mình nhưng rồi nếu tò mò gọi món, bạn sẽ ồ lên thích thú bởi lối trình bày “bắt mắt” của món ăn này. Cái tên nghe rất lạ, tạo cho thực khách vẻ “sờ sợ” nhưng lại là một món ngon độc đáo trong nghệ thuật ẩm thực Huế. Cơm âm phủ tạo cho bạn một cảm quan rất Huế bởi từ nguyên liệu đến khâu bày biện, trang trí đều mang tính thôn dã của dân gian vừa phảng phất phong cách cung đình! Theo chuyên gia ẩm thực Phan Tôn Tịnh Hải, dựa trên triết lý của Phật giáo, 7 màu sắc bày trên dĩa cơm tượng trưng cho 7 bước chân đầu tiên của Đức Phật.
Trên dĩa cơm dẻo và thơm, thực khách có thể lần lượt khám phá hương vị rất riêng của từng nguyên liệu. Thịt ba rọi thái sợi mỏng, chả lụa Huế, tôm xay nhuyễn, nem Huế nướng, trứng đổ chả, rau thơm, dưa leo… tất cả được sắt sợi và trình bày theo nghệ thuật phối màu hài hòa. Chỉ với một dĩa cơm, thực khách có thể thưởng thức được nhiều đặc sản Huế với các món ăn thuộc các nhóm dinh dưỡng cần thiết. Nét độc đáo của món ăn này không chỉ nằm ở điểm hình thức, dinh dưỡng mà còn khá rẻ và mang nét rất riêng của Huế , dù bạn có ăn “Cơm âm phủ” ở bất cứ nơi nào.
Món ăn này được chế biến không khó nhưng để có sự nhẹ nhàng của đất thần kinh, bạn cần có đôi tay khéo léo để thái sợi “đều tay” các nguyên liệu và có một trình độ thẩm mỹ nhất định để trình bày dĩa cơm, tạo nên ấn tượng độc đáo từ lần đầu tiên ngay cả đối với những thực khách khó tính nhất. Cơm âm phủ ăn với nước mắm chua ngọt và cách nêm nếm sao cho có được sự nhẹ nhàng, thoang thoảng, hài hòa giữa vị các vị chua, ngọt cũng đòi hỏi một tay nghề nhất định. Nơi ngon nhất có thể ăn cơm âm phủ dĩ nhiên là Huế. Nếu không có điều kiện ghé Huế mà chỉ có dịp qua Sài Gòn bạn có thể đến nhà hàng Lá Thơm số 778/45 Nguyễn Kiệm - TP Hồ Chí Minh để thưởng thức món cơm âm phủ do chuyên gia ẩm thực Phan Tôn Tịnh Hải- một người con xứ Huế đảm trách.
Trải qua bao thăng trầm và đổi thay của thời gian, ngày nay đến Huế bạn chỉ có thể tìm về quán cơm Âm Phủ ở tầng lầu của ngôi nhà số 35 đường Nguyễn Thái Học - HUẾ. Tại đây, ngoài món cơm Âm Phủ truyền thống còn có các món mới như lươn um, dồi trường, mép bò chấm nắm nêm...Trên dĩa cơm thơm dẻo, bạn có thể thưởng thức món ngon này cùng cùng thịt ba rọi thái sợi mỏng, chả lụa Huế, tôm xay nhuyễn, nem Huế nướng, trứng đổ chả, rau thơm, dưa leo... tất cả được sắt sợi và trình bày theo nghệ thuật phối màu hài hòa. Cơm Âm Phủ sẽ tạo cho bạn một cảm quan rất Huế bởi từ nguyên liệu đến khâu bày biện, trang trí đều mang tính thôn dã của dân gian vừa phảng phất phong cách cung đình. Cơm âm phủ được đầu bếp Huế 3H bài trí đẹp mắt thành hoa văn trên mặt đĩa cơm...vừa mang tính dân dã của dân gian vừa phảng phất phong cách cung đình rất Huế. Cơm âm phủ là món ăn gồm cơm trắng với các loại thực phẩm như thịt nướng, chả lụa, trứng tráng, rau thơm, dưa leo…Tất cả đều xắt hạt lựu, và bài trí đẹp mắt thành hoa văn trên mặt đĩa cơm, ăn kèm với chén nước mắm chua ngọt…
Ở Huế, bánh canh cá lóc không chỉ được xem là món ăn dân dã trên các quán xá, hè phố, mà trở thành một đặc sản của vùng đất sông Hương núi Ngự.

So với các đặc sản khác của xứ Huế như cơm hến, mắm tôm, bánh canh có phần khiêm tốn hơn về mức độ phổ biến, song vẫn là một trong những món ăn chiếm được nhiều cảm tình của người bản địa lẫn khách du lịch. Tùy vào gu ẩm thực của mỗi người, bánh canh có những cách chế biến khác nhau, chẳng hạn bánh canh nấu tôm, chả cua, bò viên, da lợn,... Tuy nhiên, đặc sắc và thu hút nhất vẫn là bánh canh cá lóc.
Món bánh canh cá lóc có thành phần khá đơn giản, bao gồm sợi bánh canh làm từ bột gạo và thịt cá lóc đồng. Thế nhưng, việc chế biến một tô bánh canh đúng chất vẫn đòi hỏi nhiều về sự tỉ mẩn, công phu của người làm.

Khâu làm bánh canh, nguyên liệu chính của món ăn luôn là khâu quan trọng hàng đầu. Bột gạo được chọn để làm bánh phải đảm bảo được độ dai dẻo và vị ngọt tự nhiên khi nấu lên. Hiện một số tiệm bánh canh gia truyền ở Huế vẫn giữ cách làm bánh thủ công thay vì mua bánh chế biến sẵn, giúp hương vị mỗi mẻ bánh làm ra luôn được như ý. Gạo sau khi đem ngâm từ hai, ba tiếng thì đổ vào cối xay nhuyễn cho đến khi cảm thấy bột mịn, không bị bám dính vào tay là đạt yêu cầu. Bắc nồi bột lên bếp, thêm một ít muối rồi khuấy đều, đến lúc bột hơi sánh lại thì nhanh tay nhấc xuống. Trộn thêm một ít bột năng, đổ hỗn hợp vào một bịch ni lông, cắt một lỗ nhỏ ở đầu rồi bóp cho bột chảy vào một nồi nước đang sôi, đồng thời cho thêm vào nồi một ít dầu. Khi nước bắt đầu sôi, bánh canh nổi lên thì lấy bánh ra ngoài, cho vào một thau nước lạnh rồi tiếp tục vớt ra và để ráo.

Công đoạn chọn mua và chế biến cá lóc cũng yêu cầu nhiều khéo léo. Cá lóc nên lựa loại cá đồng, cỡ lớn, còn sống, thịt săn chắc. Cá khi được hấp cho vừa chín tới thì lọc kỹ từng phần thịt nạc ra khỏi xương, rồi dùng nhíp lấy sạch những phần xương còn dính. Xương và đầu cá đem giã thành từng miếng nhỏ, cho vào một bọc vải sạch rồi đem ninh cùng gia vị, giúp nước lèo trở nên thanh ngọt; trong quá trình ninh nên gạn bọt liên tục để đảm bảo độ trong cho nồi nước. Để giúp cá lóc được ướp thấm, có thể xắt thịt cá cỡ vừa theo hình chữ nhật, đồng thời đổ củ hành xắt nhuyễn, gia vị và chan đều nước mắm ngon lên từng thớ thịt. Người Huế thường hay ướp thêm vài muỗng mắm ruốc, giúp miếng cá được đậm đà, dậy mùi hơn.

Sau khi chế biến cá lóc như trên, bắt đầu cho vào chảo chiên một ít mỡ lợn. Khi mỡ được chiên khô thành từng miếng tốp thì vớt tốp ra, cho hành vào phi, rồi thả từ từ từng miếng thịt cá vào chảo và xào cho đến khi bề mặt thịt vàng ruộm thì tắt bếp. Cho bánh canh vào bát, chan nước lèo xăm xắp, xếp từng miếng cá vào, thêm ít hành ngò, tiêu bột, ớt lát lên trên, và tô bánh canh cá lóc đã có thể bắt đầu được thưởng thức. Bánh canh cá lóc thường dùng như một món giữa buổi hoặc ăn khuya, và được bày bán từ khoảng xế chiều. Ăn thử một tô bánh sẽ cảm nhận được vị thơm dẻo của những sợi bánh canh trắng muốt, sự thơm giòn của từng miếng cá lóc cùng với nước lèo ngọt lừ. Tất cả hòa chung với nhau để tạo nên sự hấp dẫn của món ăn quê đầy bổ dưỡng mà vẫn giữ được nét “hương đồng gió nội”.

Trước đây ở Huế, bánh canh cá lóc thường được các hàng rong gánh bán trên khắp các nẻo đường, vỉa hè. Đến nay, món ăn chỉ còn được bày bán chủ yếu ở các quán xá nơi phố thị... Ai một lần tới Huế hẳn đều mong có dịp quay trở lại để được thưởng thức hương vị bánh canh ấm nồng giữa đất cố đô.
Điều khác biệt lớn ở món nem lụi là nó được chấm với nước lèo nấu từ tương đậu nành cùng gan heo và thịt nạc xay nên béo béo bùi bùi mà lại rất thơm, ăn mãi mà không ngán.

Những chiếc nem lụi thường được được nướng vàng ươm, thơm phức trên bếp than hồng, ăn kèm với các loại rau sống thơm mát, chấm với nước lèo đặc biệt làm ngẩn ngơ lòng bao thực khách. Nem lụi được chế biến khá đơn giản với thịt heo giã nhuyễn trộn với bì thái mỏng như miến, mỡ heo thái hạt lựu ướp cùng muối, tiêu đường, thính. Sau đó, người ta lụi hỗn hợp này vào từng chiếc đũa tre nhỏ và nướng trên bếp than. Mới thưởng hương thịt thơm nức tỏa ra trên từng chiếc đũa tre đã khiến lòng người không khỏi xao xuyến. Ấy chính là nét hấp dẫn đầu tiên mà món nem lụi đem lại.

Nét hấp dẫn thứ hai của món ăn này phải kể đến thứ nước chấm được pha chế vô cùng độc đáo. Chẳng phải nước chấm chua ngọt thông thường mà là chén nước lèo được pha chế theo cách riêng của người HuếĐể làm nước chấm, người ta xay nhuyễn đậu phộng, cho thêm một chút nước mắm rồi đun trên bếp thành một hỗn hợp sền sệt giống như tương. Ở nhiều nơi còn cho thêm chút gan heo, thịt heo băm nhuyễn để món nước chấm được đậm đà và nhiều hương vị hơn.

Nem lụi còn phải được ăn đúng cách mới cảm nhận được hết cái ngon, cái tinh túy của món ăn. Khi ăn, người ta thường ăn kèm với bánh tráng (hay còn gọi là bánh đa nem), rau thơm, khế chua, chuối xanh, sung… tùy theo khẩu vị mỗi người. Bày nem lụi ra đĩa, bạn sẽ thấy một món ăn đủ màu sắc: màu vàng ươm của miếng thịt đã được nướng, màu xanh của rau, màu nâu của nước chấm và thêm chút đỏ tươi của vài miếng ớt thái nhuyễn.

Miếng bánh tráng sẽ được trải ra và xếp lần lượt rau thơm, khế chua, chuối xanh rồi tới nem lụi, cuốn vào và bắt đầu thưởng thức. Mùi thơm của miếng nem lụi nướng vàng ươm, chút cay cay của tiêu và ớt, vị ngọt, khẽ béo ngậy, bùi bùi của nước chấm sền sệt, vị tươi mát từ rau xanh… tất cả hòa quyện với nhau tạo nên một hương vị hài hòa, tuyệt hảo của món nem lụi xứ Huế.

Ngày nay, món nem lụi đã phổ biến ở nhiều nơi, tuy nhiên hương vị nem lụi xứ Huế vẫn mang theo nét đặc trưng riêng. Vậy nên, nếu có dịp ghé thăm xứ Huế, bạn đừng quên thưởng thức món ăn độc đáo làm say mê lòng người này nhé!
Bánh bèo là một món ăn bình dị, dân dã của người dân xứ Huế. Chiếc bánh bé xíu dẻo thơm hương bột gạo, vị ngọt của tôm cháy hòa trong chén nước mắm cay làm người ăn phải xuýt xoa khi thưởng thức. Gọi là bánh bèo, đơn giản là vì hình dạng của nó mỏng mảnh, tròn trịa như áng bèo cũng có thể là cách chơi chữ của dân gian bởi giá nó cũng bèo bọt như vậy. Tuy giản dị nhưng bánh bèo lại trở thành món đặc sản nổi tiếng xứ Huế mà ai khi tới Huế cũng phải thưởng thức bằng được mới thôi.

Nguyên liệu chính để làm bánh là bột gạo. Muốn chiếc bánh bèo dẻo, mềm và thơm ngon, người làm bánh phải chọn loại gạo còn thơm hương lúa mới. Gạo được vo sạch, ngâm nước trong nhiều giờ trước khi đem xay. Gạo sau khi xay thành bột mịn, người thợ pha vào một ít nước lọc để bột lỏng nhưng vẫn giữ được độ dẻo nhất định.


Sau khi đã chuẩn bị xong phần bột, người thợ đổ bánh sắp những chiếc chén con bằng nắm tay vào một chiếc vỉ hấp, chế bột vào từng chiếc chén và đem hấp. Để chiếc bánh không dính vào thành chén khi chín, người thợ thường thoa một lớp dầu lên thành chén trước khi đổ bột vào. Muốn bánh chín đều và có màu trắng sữa, trong quá trình hấp phải canh lửa thật lớn, nếu lửa nhỏ, nước không đủ độ sôi, chiếc bánh sẽ bị sượng, không chín hết bột. Một thành phần quan trọng tăng thêm sự đẹp mắt, thơm ngon cho bánh bèo là
phần nhị màu gạch được làm từ tôm cháy. Làm tôm cháy khá đơn giản nhưng tốn không ít thời gian. Tôm mua về được làm sạch, luộc chín, bóc bỏ vỏ, cho phần thịt vào giã thật nhuyễn. Làm nóng chảo trên bếp, cho tôm đã giã nhuyễn vào và cháy đều đến khi tôm mịn và khô rang là được. Miếng bánh bèo ngon nhất chính là nhờ vị tôm cháy và thứ nước chấm đặc biệt. Nước chấm này được pha từ nước mắm, hòa chung với mỡ, đường, tỏi ớt. Vị nước chấm pha xong không được mặn, cũng không được nhạt, nó phải hơi ngọt một chút và dậy lên mùi thơm đủ đánh thức những tâm hồn nhạy cảm.


Đến với xứ Huế mộng mơ, bạn có thể thưởng thức bánh bèo Huế ở khắp mọi nơi, nhưng thú vị nhất vẫn là được ngồi trong những quán nhỏ mang đậm “chất” Huế, ung dung thưởng thức từng miếng bánh và lắng nghe những câu hò mượt mà. Người Huế bảo, ăn bánh bèo nơi đây mà ăn nhanh thì sẽ chẳng bao giờ thấy hết cái ngon, cái ngọt của loại bánh này. Trái lại, ăn bánh bèo Huế là phải ăn chậm, nhai kỹ, lúc đó, bạn mới cảm nhận được hết tinh hoa của món quà quen thuộc đất Huế.

Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

Núi Ngự Bình (còn gọi là Bằng Sơn) cao 105 m, dáng cân đối uy nghi. Hai bên Bằng Sơn có hai ngọn núi nhỏ chầu vào gọi là Tả Bật Sơn và Hữu Bật Sơn. Vương triều Nguyễn khi xây dựng kinh thành Huế đã chọn núi này làm tiền án của hệ thống phòng thành đồ sộ, kiên cố và đổi tên cho ngọn núi này là Ngự Bình.

Cùng với sông Hương, núi Ngự Bình là quà tặng vô giá thứ hai của tạo hoá, quyện vào nhau tạo nên vẻ đẹp sơn thuỷ hữu tình của Huế. Từ lâu, ngọn núi xinh đẹp này cùng với sông Hương trong xanh đã trở thành biểu tượng của thiên nhiên Huế. Người ta quen gọi Huế là xứ sở của sông Hương - núi Ngự, miền Hương Ngự.

Từ bao thế hệ, lớp lớp tao nhân mặc khách từng coi đây là chốn thưởng ngoạn thiên nhiên kỳ thú. Vào những ngày đẹp trời, đứng trên đỉnh Ngự Bình, có thể thu vào tầm mắt toàn cảnh thành phố với cung điện nguy nga, mái chùa cổ kính và dòng sông Hương xanh biếc uốn lượn quanh co. Ngay trước tầm mắt là các khu đồi, là rừng thông bát ngát tiếp đến một vùng đồng bằng rộng lớn của các huyện: Hương Thuỷ, Phú Vang, Hương Trà cỏ cây xanh rờn...,xa hơn là dãy Trường Sơn trùng điệp một màu tím thẫm ẩn hiện sau những tầng mây bạc. Nhìn về phía Ðông, dải cát trắng mờ phía xa cửa Thuận An với màu xanh thăm thẳm của biển Ðông...

Cách núi Ngự Bình vài km là đồi Vọng Cảnh, một danh thắng khác của Huế, đứng soi bóng duyên dáng bên dòng sông Hương, nhìn qua núi Ngọc Trản. Từ đồi Vọng Cảnh có thể nhìn thấy những khu vườn cây ăn quả mướt xanh của cau, nhãn, cam, quýt, thanh trà,...chen lẫn bóng thông, những mái nhà ngói xám của đền chùa, lăng tẩm cổ kính, trầm mặc....Sông Hương như một dải lụa mềm uốn quanh dưới chân đồi...Du khách có dịp đến đây vào buổi bình minh sương tan hay lúc hoàng hôn, mới hiểu hết và thấm thía vẻ đẹp nên thơ, nên hoạ của một ngọn đồi, một khúc sông, một góc trời xứ Huế.
Sông Hương có hai ngọn nguồn. Nguồn tả trạch xuất phát từ dãy núi Trường Sơn chảy về hướng Tây Bắc qua 55 ngọn thác hùng vĩ, rồi từ từ chảy qua ngã ba Bằng Lãng; nguồn Hữu Trạch ngắn hơn sau khi vượt 14 ngọn thác hiểm trở và qua bến đò Tuần thì đến ngã ba Bằng Lãng hợp dòng với Tả Trạch thành sông Hương thơ mộng.

Sông Hương dài 30 km nếu chỉ kể từ Bằng Lãng đến cửa Thuận An, độ dốc của dòng nước so với mặt biển không chênh lệch nhiều nên nước sông chảy chậm. Sắc nước sông Hương trở nên xanh hơn khi vượt qua chân núi Ngọc Trản - điện Hòn Chén, tạo nên một lòng vực sâu thẳm.

Sông Hương đẹp từ nguồn, uốn lượn quanh co giữa núi rừng, đồi cây mang theo những mùi vị hương thơm của thảo mộc rừng nhiệt đới. Dòng sông chầm chậm lướt qua các làng mạc xanh tươi, rợp bóng cây của Kim Long, Nguyệt Biều, Vĩ Dạ, Ðông Ba, Gia Hội, Chợ Dinh, Nam Phổ, Bao Vinh, quyện theo mùi thơm của các loài hoa xứ Huế. Dòng sông xanh trong vắt lung linh như ngọc bích dưới ánh mặt trời, những con thuyền Huế xuôi ngược, dọc ngang với điệu hò man mác, trầm tư, sâu lắng giữa đêm khuya. Ði chơi bằng thuyền để được ngắm cảnh Hương giang thơ mộng, nghe những điệu hò, dân ca xứ Huế lúc trời đêm thanh vắng là thú vui muôn thuở của bao lớp du khách....

Quang cảnh đôi bờ sông nào thành quách, phố xá, vườn cây, chùa tháp...bóng lồng mặt nước phản chiếu lung linh làm cho dòng sông đã yêu kiều càng nên thơ nên nhạc. Nhiều người nghĩ rằng sở dĩ Huế có được cái êm đềm, dịu dàng, yên tĩnh phần lớn là nhờ sông Hương - dòng sông xanh đã đem lại cho thành phố cái chất thơ trầm lắng, cái trong sáng hài hoà toả ra từ vùng đất có chiều sâu văn hiến.
Tên của ngôi chùa bắt nguồn từ một huyền thoại. Chuyện kể rằng từ xa xưa, dân địa phương đêm đêm thường thấy một bà già mặc áo đỏ, quần lục xuất hiện trên ngọn đồi nơi chùa toạ lạc ngày nay, và nói: rồi sẽ có chân chúa đến lập chùa ở đây để tụ khí cho bền long mạch. Hễ nói xong là bà biến mất. Sau khi vào trấn Thuận Hoá, chúa Nguyễn Hoàng một lần đi qua, nghe kể chuyện đã cho xây chùa và đặt tên là Thiên Mụ Tự. Chùa nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5 km, trên đồi Hà Khê, tả ngạn sông Hương, xã Hương Long.

Năm 1601 chùa được xây dựng. Năm 1665 chúa Nguyễn Phúc Tần cho trùng tu. Năm 1710, chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc quả đại hồng chung cao 2,5m nặng 3285 kg, và năm 1715, chúa lại cho xây dựng tấm bia cao 2,58m đặt trên lưng con rùa bằng cẩm thạch. Vào thời Nguyễn, các vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Thành Thái đều cho trùng tu chùa. Tháp Phước Duyên (ban đầu được đặt tên là tháp Từ Nhân) được vua Thiệu Trị cho xây vào năm 1844. Tháp hình bát giác cao 7 tầng (21 m). Ðiện Ðại Hùng là ngôi chính điện trong chùa, một công trình kiến trúc đồ sộ nguy nga. Trong điện, ngoài những tượng phật bằng đồng sáng chói còn treo một khánh đồng được đúc năm 1677 và một bức hoành phi bằng gỗ sơn son thếp vàng do tự tay chúa Nguyễn Phúc Chu đề tặng năm 1714. Hai bên chùa có nhà trai, nơi các sư tĩnh dưỡng và nhà khách để đón khách đến vãn cảnh chùa.

Trước các điện, quanh chùa là các vườn hoa cây cảnh xanh tươi, rực rỡ. Phía sau cùng là vườn thông tĩnh mịch, phong cảnh nên thơ. Chùa bị hư hỏng nặng năm 1943. Từ năm 1945, Hoà thượng Thích Ðôn Hậu đã tổ chức công cuộc đại trùng tu kéo dài hơn 30 năm.

Ngày nay chùa vẫn được tiếp tục chỉnh trang ngày càng huy hoàng, tráng lệ, luôn hấp dẫn và thu hút đông đảo du khách gần xa.
Huế không chỉ biết đến bởi những danh lam thắng cảnh mà còn nổi tiếng bởi rất nhiều món ăn bình dị, dân dã níu kéo lòng người. Đó là cơm Hến, bún bò, là bánh khoái, nem Lụi…và đặc biệt là những gánh chè hẻm đủ món, đủ mùi vị và sắc màu khác nhau.

Đến Huế vào một ngày hè , giữa cái nắng cháy da, cháy thịt của miền Trung, Chúng tôi nhanh chân tìm đến thưởng thức chè hẻm, một loại chè mà đã nghe thấy từ lâu mà nay mới có dịp để “nếm thử”.
Không ai biết chè hẻm có ở Huế từ bao giờ mà chỉ biết gọi là thế bởi nó thường nằm sâu trong các ngõ ngách với rất nhiều loại chè khác nhau mà theo cách nói biểu trưng của ông bà ta xưa nếu ngoài Hà Nội có “36 phố phường” thì Huế cũng có “36 thứ chè”.
Mỗi loại chè có một hương vị riêng, ngon bổ, tinh tế và cầu kỳ như chính con người nơi đây. Chè bắp ngọt mát tinh khiết, vừa thơm vừa bùi nấu từ bắp ngô non của cồn Hến, chè hạt sen với thứ hương trầm thật lạ của giống sen hồ Tịnh Tâm – loại sen “tiến vua”. Lại còn chè nhãn bọc hạt sen ngọt thanh, thơm bùi và nhiều loại chè như chè hạt lựu, chè trôi nước, chè khoai sọ…
Có một loại chè nghe rất lạ tai mà chỉ Huế mới có: chè thịt heo quay. Được chế biến cầu kỳ từ những miếng thịt heo quay cắt khúc nhỏ, bọc ngoài là bột nếp, cho thêm đường nấu thành chè. Khi ăn, món chè này cho ta một cảm giác rất lạ, vừa ngọt lại vừa mặn, béo ngậy khó diễn tả thành lời…
Bột đao, lạc rang giã nhỏ và nước cốt dừa là ba loại phụ gia không thể thiếu làm tăng thêm vị béo ngậy, thơm bùi trong các món chè Huế. Còn hạnh phúc nào hơn giữa khung cảnh lãng mạn của Huế về đêm với cầu Tràng Tiền đủ sắc màu và dòng sông Hương thơ mộng được cùng bạn bè hay người yêu ngồi tụm đầu bên gánh chè rong?
Ai đó đã từng nói đến Huế mà chưa được thưởng thức chè hẻm coi như chưa có một chuyến đi hoàn hảo. Riêng tôi, dù có ăn bao nhiêu loại chè Hà Nội cũng không bao giờ quên được vị ngọt, bùi, thơm mát rất lạ của những món chè nơi đất Huế mộng mơ.
Đến Lăng Cô - Huế, du khách không chỉ đắm mình trong phong cảnh nên thơ và thích thú với bãi tắm lý tưởng mà ở đây du khách còn được thưởng thức nhiều loại hải sản phong phú, quý hiếm như vẹm xanh, sò huyết, cá chình… Sò huyết Lăng Cô ngon nổi tiếng cả nước, những con sò tươi rói được mang lên, nướng trên những lò than hồng ngay tại bãi biển để du khách thưởng thức với nhiều loại gia vị, nước chấm hảo hạng. Nếu muốn làm quà cho người phương xa thì đã có các hũ mắm sò chính hiệu “đặc sản Lăng Cô”, vừa có giá trị mà giá cả lại rất bình dân, thích hợp với túi tiền của nhiều người.

Sò huyết không chỉ là hải sản ngon mà theo y học cổ truyền, sò huyết có vị ngọt, tính mặn, có tác dụng bổ huyết, kiện vị chữa chứng huyết hư, thiếu máu. Trong sò huyết có nguồn chất đạm phong phú, chứa nhiều khoáng chất có giá trị dinh dưỡng cao như magiê và kẽm. Hai chất này giúp tăng cường sức chịu đựng dẻo dai cho cơ thể. Được các nhà hàng chế biền thành nhiều món ăn hấp dẫn đặc sắc như : tiết canh sò huyết và gỏi sò huyết.
Tiết canh sò huyết được chế biến dưới bàn tay khéo léo của người đầu bếp cùng những món gia vị cay nồng, ngọt béo không chỉ nổi tiếng ngon miệng mà còn bổ dưỡng.
Sò huyết Lăng Cô  nổi tiếng ngon nhất là vào tầm tháng 4 đến tháng 7, mùa biển lặng. Những con sò tươi bóng từ ghe chài được đưa vào nhà hàng, được ngâm trong nước trong để nhả hết chất bẩn.

Cách lấy huyết và chế biến kỳ công được xem là khâu quan trọng nhất quyết định sức hấp dẫn của món ngon này. Sò huyết tươi sống được chẻ ruột lấy tiết từng con trước khi chế biến. Quyết định hơn cho món ăn ngon là cách gia giảm, kết hợp nguyên liệu khi chế biến để tạo nên sự hấp dẫn riêng cho món. Ngoài rau nêm ngò gai, ngò om thường thấy, tiết canh sò huyết còn ăn kèm với nước xốt mù tạt. Tươi nhưng không tanh, nồng nhưng không gắt, món mang đến cho người thưởng thức một hương vị thật lạ lẫm.
Gỏi sò huyết : được chế biến khá đơn giản. Quan trọng là phải giữ được vị ngọt đậm đà vốn có của sò huyết. Sò huyết được rửa sạch, để ráo rồi cho vào lò vi-ba chừng khoảng 3 phút. Sò vừa chín tới, vẫn còn giữ được độ tươi ngon. Người sành ăn lấy sò huyết ướp đá để sò “há miệng” thì tách thịt khỏi vỏ. Củ hành tím được xắt khoanh mỏng ướp đá cho bớt vị nồng hoặc có người thích giữ nguyên vị nồng để tăng thêm vị ngon cho món ăn. Người huế rất ưa sử dụng gừng, xả trong thức ăn nên món gỏi sò huyết cũng được bổ sung hai thứ gia vị này. Nước giấm đường pha chế sao cho có vị chua và ngọt vừa miệng. Gừng và xả xắt khoanh mỏng được trộn chung với nước giấm đường, để chừng nửa tiếng đồng hồ để tạo vị đậm đà. Thịt sò huyết được trộn với hỗn hợp nước giấm cho đều. Sau đó, người ta lót rau húng ra dĩa và để sò huyết trộn lên trên. Cho thêm vài lát ớt cắt sợi trang trí làm món ăn thêm bắt mắt. Món gỏi này được chấm với nước mắm chua ngọt. Nhưng phần lớn thực khách dùng chung với bánh tráng mè nướng như ăn kèm với hến xào ở Huế. Ăn thế này “bắt ngây” không thể dừng… Có người đến Lăng Cô chỉ để ăn món này…
Buổi sáng, những con đường phố ở Huế không thức dậy một cách vội vã. Có lẽ nhộn nhịp nhất chỉ có khu vực cầu Tràng Tiền: những dòng xe cộ ngược xuôi chở hàng hóa về bên kia, bên này... Và những gánh hàng rong từ các vùng lân cận cũng theo đó rảo bước nhanh nhịp nhàng đôi quang gánh về phố cho kịp phục vụ người ăn sáng.

Hàng rong ở Huế đủ các loại món ăn bình dân. Sáng sớm từ An Lăng, An Cựu, Nam Phổ, Vỹ Dạ, Cồn Hến... hàng bánh canh, bún đổ về phố. Một số gánh qua những con phố ở phía chợ Đông Ba, một số rảo gánh bên này cầu Tràng Tiền. Trên đường Trần Hưng Đạo phía trước chợ Đông Ba, là nơi tập kết ngô (bắp) luộc từ Kim Long chở đến, để từ đây phân phối đi khắp nơi. Gánh bánh canh hay các loại bún đều giông giống nhau: một đầu gánh là trả lửa hình vuông có nồi nước lèo đặt bên trên. Đặc biệt, chỉ đến Huế người ta mới gặp lại cái nồi nhôm dạng hình cái chum, có người gọi là nồi gương. Đầu gánh bên kia là tô, chén, dĩa và đủ thứ linh tinh phục vụ cho một tô bún có đủ: rau, mắm, hành... Bánh canh buổi sáng thường là bánh canh bột gạo, buổi chiều mới có bánh canh cua bột lọc. Nồi bánh canh cũng như nồi bún bò: cũng thịt, cũng giò, da heo, có thêm chả cá... Bún gánh (từ đặc biệt dành cho gánh hàng rong) có đủ loại: bò, cá, hến, riêu... Tôi đã ăn những tô bún bò từ trong các tiệm lớn đến những gánh hàng rong và nhận xét một điều rằng: bún bò tại đây, không giống như ở các thành phố khác. Cái khác trước nhất là rau không phải là rau xắt ghém nhất là rau được lặt thành từng lá nhỏ (xà lách, rau thơm, hành có nơi cũng không xắt thành hành hoa, mà cắt thành từng đoạn nhỏ); cái khác thứ hai là trong nồi bún có chả lụa, gọi là giò (không biết có phải thay cho giò heỏ): thịt chả lụa được vắt thành từng vê nhỏ, nổi lên phía trên mặt nồi nước lèo; cái khác thứ ba là nếu muốn, tô bún sẽ có thêm thịt bò tái (giống như ăn phở). Rồi tùy theo yêu cầu của khách, tô bún sẽ có đầy đủ (giò heo, giò lụa, thịt bò gân, nạm, bò tái) hay chỉ có một vài thứ (có giò heo thì không có giò lụa, có bò tái thì không có bò gân...). Đặc sản của Huế mà bất kỳ ai đến đây cũng phải tìm ăn cho bằng được: cơm hến. Hàng cơm hến nào cũng kèm theo bún hến. Thúng bún được phân làm hai bằng miếng nylon: một bên là bún, một bên là cơm, khách ăn món nào gia vị kèm theo đặc trưng của món ấy (đậu phộng chiên còn nguyên hạt, dầu ăn đã khử với ớt mầu thật cay, mắm ruốc...). Đặc biệt chỉ có món này mới thấy rau ghém thái chỉ, gồm có rau môn, xà lách, bắp chuối, rau thơm... xắt thành sợi rất nhuyễn. Cồn Hến là nơi chuyên cung cấp hến cho các hàng ăn, hến được lấy thịt bằng cách bỏ vào rổ và xát, thịt hến bong ra, ở đây người ta cũng cung cấp luôn nước hến. Hàng ăn chỉ việc đến mua thịt hến và nước hến về rồi chế biến tiếp.

Ngoài hàng "gánh", còn có hàng "nách". Tầm sáng sớm có các nách bánh mì, xôi, bắp... cũng một điều rất khác ở Huế là rau bỏ vào bánh mì ngoài hành, dưa leo còn có thêm rau răm và thịt thường là thịt nhưng có nước xốt chế vào, ăn cũng hay hay, là lạ... Hàng nách còn có nách bánh bèo, nậm, lọc, ram ít, bánh ướt cuốn thịt nướng, bún thịt nướng... Bánh bèo Huế rất mỏng và có đường kính gần bằng chén chè, xếp vào cái đĩa nhìn thấy được cả hoa văn của dĩa ở bên dưới, không phải là loại bánh bèo đổ trong chén nhỏ, dày cui khi ăn phải múc bằng thìa. Người Huế giải thích ăn bánh bèo mỏng như vậy mới thấm nước mắm! Đặc biệt, bún thịt nướng hay bánh ướt thịt nướng (bánh ướt bọc bên trong là thịt nướng) ăn với một loại nước chấm được chế biến rất ngon. Các món ăn Huế bây giờ không có vị cay như trước, ai muốn ăn cay, thì bỏ thêm ớt được xắt lát trong các tô mắm. Tầm tháng tư, không có ớt xiêm, mà chỉ có loại ớt sừng mầu xanh, tưởng là không cay, thế nhưng ăn một miếng là cay xé lưỡi, còn hơn cả ớt xiêm.

Hàng rong ở Huế, mỗi món gắn liền với một địa danh đặc thù, nói đến bánh canh phải là bánh canh Nam Phổ, các loại bún phải xuất phát từ An Cựu; bắp hầm ở Kim Long... Thử đến Huế một lần, sáng sớm tinh mơ bạn sẽ gặp hình ảnh từng tốp những người gánh hàng rong đi cùng với nhau từ một vùng nào đó đổ về phố, dừng lại đặt cái đòn gánh xuống đất làm đòn ngồi, nghỉ một chút trên đường, có người phe phẩy chiếc nón lá cho đỡ mệt, có người cời lại bếp than cho đỏ lửa, rồi bắt đầu tỏa đi khắp nơi. Ngồi xuống bên các gánh hàng rong, bạn sẽ có cảm giác của người không bị ràng buộc bởi công việc: muốn ăn gì thì ăn, gặp gì ăn nấy... Sáng sớm bạn sẽ thấy bánh canh, các loại bún, bánh mì, xôi bắp, bánh bèo... Trễ hơn một chút có đủ các loại chè (chè nóng, chè lạnh) hay các loại nước đậu nành, đậu ván, đậu hũ. Trưa hơn chút nữa có các hàng "đồ trái", đó là các gánh trái cây (vải, nhãn, bơ, cam...) xuất phát từ chợ Đông Ba, lúc này cũng có các gánh rau bán dạo cho những nhà ở phố. Sau giấc ngủ trưa, xê xế có bánh bèo, nậm, lọc, ram ít, bún thịt nướng, bánh canh bột lọc, chè... Các gánh này có thể bán đến chiều xẩm tối.

Để khám phá Huế, người ta phải mất nhiều năm, có khi cả đời cũng không hết, nhưng chỉ cần vài ngày lang thang ở Huế, bạn cũng sơ sơ biết Huế, và bắt đầu yêu Huế. Yêu những con đường nhỏ nhỏ có ai hàng cây suốt ngày chụm đầu vào nhau rì rầm kể chuyện, yêu những chiếc lá bay bay trong buổi sáng tinh tươm, yêu cổ thành bí ẩn, yêu dòng sông Hương lặng lờ trôi, êm đềm buổi sáng, lười biếng buổi trưa, mềm mại buổi chiều, để rồi bất chợt buột miệng hát lên: "Vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được". Và một trong những vẻ đẹp cổ kính đó, những gánh hàng rong cũng là một đặc thù của thành phố du lịch nổi tiếng thơ mộng và dịu dàng này. Mời bạn, hãy tạm xa rời các nhà hàng sang trọng, một lần đến với các gánh hàng rong để tận hưởng cho bằng hết cái thú của người đi du lịch.

Với những người nghiền món ăn dân giã và mang đậm hương vị quê hương, thì cơm hến, cháo hến, hến xào hay một bát bún mắm sẽ khiến bạn nhớ mãi không quên khi đặt chân đến Huế. Từ bao giờ các món ăn về hến là đặc sản của thành phố Huế, có lẽ vì vậy mà trong sổ tay của khách du lịch luôn có ghi chú về món ngon này.

1. Cơm hến
Tại Huế, phố Trương Định nổi tiếng với các quán cơm hến, trong đó, hiệu cơm cô Thủy với 15 năm đã trở thành địa chỉ quen thuộc của người dân. Đó là một quán xinh xinh, với những chiếc bàn nhỏ, ghế nhỏ. Trên bàn lúc nào cũng đặt sẵn một vài bó nem và giò để khách ăn “chống đói”
Và sau 5 phút, một bát cơm hến được bày ra trước mắt bạn. Trên những hạt cơm trắng muốt là hến, giá, tóp mỡ chiên giòn, khế, lạc, rau mùi…. Đầu tiên, bạn sẽ trộn đều tất cả, sau đó xúc từng thìa và cảm nhận hương vị của món ngon xứ Huế.
Người Huế vốn tinh tế và nhẹ nhàng, vì thế, các món ăn cũng không trưng nhiều ngồn ngộn, mà lưng lửng giữa chừng bát. Nên dù rất “mãn nguyện” với bát cơm hến, nhưng bạn chắc chắn vẫn chưa đủ no, và sẽ còn…khối món ăn thú vị khác để bạn lựa chọn.
Đó có thể là một bát cháo hến, với giá cũng 7.000 đồng. Cháo được nấu loãng, hến béo ngậy đã được xào qua với hành, mỡ ăn rất đậm vị. Để ngon hơn, bạn có thể cho thêm một ít hạt tiêu, ớt bột, vừa thơm vừa cay cay, kích thích vị giác muốn ăn hơn nữa.
Tuy nhiên, với người miền Bắc quen ăn cháo xay hoặc cháo hầm thật nhuyễn thì chưa thể ưng ý với cháo hến của người Huế. Bởi, hạt gạo được nấu không nhừ, vẫn còn chưa nở bung, đủ độ mềm cho một bát cháo.

2. Vả Huế
Vả là món ăn dân dã của Huế và vả cũng trở thành món ăn thượng lưu của Du khách khi đến Huế. Vả đã để lại trong lòng người xa quê nỗi nhớ quê nhà.
Thiên nhiên dành cho Huế một loài cây thuộc họ sung nhưng trái lớn, đó là cây vả. Vả cho trái ăn vừa ngọt vừa bùi. Vả tạo thêm hương vị đậm đà ngon miệng cho các món ăn từ xào, nấu, kho cho đến ăn sống
Món rau sống kèm với những món ăn như bún thịt nướng, bún thịt kẹp tôm chua, bánh khoái, thịt bò nhúng dấm… thì vùng miền nào cũng như nhau, nhưng ở đây kẹp với miếng vả trắng hồng chấm với mắm nêm trộn với ớt xanh vừa giòn vừa cay đến độ hít hà thì không gì ngon bằng.
Đặc biệt là món vả trộn. Để có món vả trộn xúc ăn với bánh tráng, luộc vả trong nước sôi cho đến lúc nào có thể dùng tay chà bóc lớp vỏ xanh, xong cho vào nồi luộc tiếp cho thật nhừ, bóp tơi quả vả cho thật nhuyển. Mè đem rang vàng chà vỏ, thịt nạc và da heo luộc chín xắt hạt lựu, ướp gia vị nước mắm, hành tiêu, bột ngọt, muối, ớt bột… Các thứ trên trộn đều thành hỗn hợp, thái nhỏ rau thơm, hành, ngò rải trên mặt. Vả trộn ăn với bánh tráng (bánh đa) nướng.
Chưa dừng ở món vả trộn, vả còn cho vào kho chung với thịt heo, thịt bò nhưng hấp dẫn hơn cả là vả kho với cá rô, cá nục, cá ngừ..

3. Bún bò giò heo
Một tô bún giò hay bún bò hấp dẫn thực khách chính là nhờ chất nước ngon ngọt và thơm. Phải có một lần ăn bún đến chảy nước mắt lúc đó mới cảm được cái hương vị xứ Huế nó thâm trầm như thế nào.
Bún thì không đâu không có, nhưng hình thức của con bún thì mỗi miền mỗi khác. Ở Hà Nội, xưa và nay cũng la liệt bún “bún riêu, bún chả, bún ốc, bún thang…” mà có lẽ đặc biệt nhất là bún chả, sợi bún rất mảnh lại cuộn từng lá mỏng, còn chả thì là thịt ba chỉ cặp vào thanh tre rồi đem nướng trên than hoa, chẳng khác gì bún thịt nướng ở Huế nhưng ngon hơn nhờ nước chấm và rau húng. Ở Huế cũng thế, có bún giò heo.
Dọc hai bên đường bạn sẽ gặp ngay ở đây những gánh bún rất bình dân nhưng cũng rất ngon, rất đông khách… Một tô bún giò hay bún bò hấp dẫn thực khách chính là nhờ chất nước ngon ngọt và thơm. Đặc biệt là nồi bún, một nồi bằng nhôm dẻo rất mỏng và được người thợ gò xứ Huế gò rất khéo, trông giống một chiếc nồi đồng ngày xưa nhưng sâu và miệng rộng hơn. Cái nồi được chùi rửa kỳ cọ rất kỹ nên bao giờ cũng sáng trắng, trông rất thích mắt. Ăn một tô bún đang bốc khói, những sợi bún trắng trong nổi bật trên đó là những viên mọc hồng (được viên từ giò sống và thịt cua), những miếng Móng giò được ninh mềm nhừ, với một chút màu trắng của những cọng rá và màu xanh của rau sống, húp một ít nước beo béo đậm đà kèm theo một chút gia vị mắm ớt chanh bạn sẽ thấy vô cùng thú vị, vừa cay, vừa nóng, vừa xuýt xoa, vừa nghe vị ngọt của nước bún của thịt chạy dần vào trong thực quản, chắc chắn bạn sẽ không quên được cái hương vị này. Phải có một lần ăn bún đến chảy nước mắt lúc đó mới cảm được cái hương vị xứ Huế nó thâm trầm như thế nào.

4. Bánh bèo xứ Huế
Không biết có từ bao giờ, nhưng bánh bèo đã là một đặc sản, một món ăn không thể thiếu của người dân xứ Huế. Bánh bèo có mặt từ mâm cơm dân dã ở mỗi Gia đình cho đến các bữa tiệc, ngày lễ, ngày Tết và các dịp đãi khách trọng thể.
Có dịp đến Huế, mới thấy bánh bèo gắn bó với đời sống sinh hoạt của người dân cố đô như thế nào. Khoảng từ 3 đến 5 giờ chiều, đâu đó trên các ngõ phố những Phụ nữ gọn gàng trong bộ Áo dài thong thả bách bộ với quanh gánh nhẹ trên vai hoặc chiếc thúng nhỏ cắp ngang hông, đi bán bánh bèo, bánh lọc đến từng nhà. Người Huế rất thích và đã thành thói quen dùng loại bánh đầy hương vị quê nhà này vào các bữa ăn phụ, chỉ cần 1.000 đồng là đã có một đĩa bánh bèo lót dạ thơm ngon. Bánh bèo cũng không thiếu trong các bữa “cơm vua” phục vụ khách Du lịch và trong các bữa tiệc “cơm cung đình” chiêu đãi các khách quý.
banh beo
Từ khi quần thể Di tích cố đô Huế được UNESCO xếp loại là di sản thế giới, khách Du lịch trong và ngoài nước đến Huế ngày càng đông. Vì vậy, song song với kiểu Kinh doanh “cơm vua” trong các khách sạn, nhà hàng… ở Huế bây giờ còn mọc lên nhiều “phố bánh bèo” quanh cung An Định, đường Ngự Bình, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm… Những “phố bánh bèo” này, thực khách không chỉ là dân Huế mà phần đông là khách từ phương xa đến. Quả thật, ai có dịp đến Huế cũng đều muốn thưởng thức món bánh bèo – một món đặc sản của đất cố đô.

5. Bánh khoái
Bánh khoái đổ bằng bột gạo xay đánh sệt với nước và lòng đỏ trứng, sau đó thêm tiêu, hành, mắm, muối, tôm bóc vỏ, thịt bò (hoặc chim) nướng thái lát, mỡ thái lát nhỏ, giá sống. Khuôn bánh khoái làm bằng gang hình tròn, to bằng hai bàn tay trẻ con có cán cầm. Khi nào có khách ăn, Nhà hàng mới bắc khuôn lên lò đổ bánh. Múc một muôi bột trứng đổ vào khuôn nóng đã tráng mỡ. Tiếng bột bén mỡ xèo xèo bốc lên quyến rũ, bột chín vàng rơm thì gắp một miếng thịt bò nướng, lát mỡ nhỏ, một vài con tôm, ít giá bỏ vào một nửa phần bánh, dùng đũa lật phần bánh còn lại úp lên thành hình bán nguyệt lật bánh cho vàng đều hai bên, xong bày ra đĩa.
Bánh ngon một phần nhờ nước lèo, thứ nước chấm chỉ các đầu bếp giỏi mới chế được. Ðây là bí quyết gia truyền, quyết định chất lượng, tạo nên hương vị thượng hạng của bánh khoái. Nước lèo Huế được chế biến rất cầu kỳ với hàng chục nguyên liệu như bột báng, gan lợn, mè (vừng), lạc rang… Quán bánh khoái Thượng Tứ tồn tại gần ba bốn chục năm nay, đã trở thành văn hoá Ẩm thực Huế, làm say lòng du khách, thân thuộc với người Cố Ðô chẳng khác gì cơm hến, tiếng chuông Chùa Thiên Mụ, con đò sông Hương. Vâng, đó chính là một phầnVăn hóa Huế.
Ẩm thực Huế luôn được đánh giá rất cao, đặc biệt ẩm thực cung đình Huế nổi tiếng không chỉ ở cách chế biến mà còn ở cách trình bày, trang trí món ăn, làm nên nét đặc sắc mà không phải nơi nào cũng có.

Nói đến ăn uống xứ Huế, người ta thường nghĩ đến lối ăn cung đình, một phong cách ẩm thực được hình thành để phục vụ triều đình nhà Nguyễn trong hơn một thế kỷ đóng đô ở đây. Đa phần những món ăn cung đình đó không khác mấy so với món ăn dân dã về nguyên liệu. Điểm khác biệt ở đây chính là kỹ thuật chế biến và sự trình bày cầu kỳ, tinh tế như một môn nghệ thuật được chăm chút tỉ mẩn. Món ăn cung đình Huế ngoài hình thức trình bày đẹp, hương vị thơm tho, tinh khiết, thanh tao, còn nổi tiếng ở tác dụng bồi bổ sức khỏe, điều hòa khí huyết.

Khác với chế biến món ăn thông thường, khi chế biến món ăn cung đình người đầu bếp phải nêm gia vị nhiều lần nhằm đảm bảo mùi vị vừa miệng, lại giữ được chất tươi nguyên của thực phẩm. Sau khi nêm gia vị ướp thực phẩm, đầu bếp cần nêm bổ sung lúc thức ăn đang sôi. Khi tắt lửa phải nêm thêm lần nữa và cuối cùng trước khi bày ra đĩa phải nêm lần cuối. Một món ăn cung đình phải nêm gia vị không dưới ba đến bốn lần khi nấu. Ẩm thực cung đình Huế có khá nhiều các luật lệ, nghi thức từ việc cung ứng thực phẩm, chế biến, phục vụ, các kiểu mâm bàn, chén bát, đũa. Vua ăn gọi là Ngự Thiện, dụng cụ ăn của vua gọi là đồ Ngự dụng, đội phục vụ vua ăn gọi là Đội Thượng Thiện. Mỗi bữa vua Minh Mạng, Đồng Khánh, Khải Định ăn từ 35 đến 50 món, trong đó phải có một vài món thuộc bát trân (tám món quý nhất gồm: Nem công, chả phượng, da tây ngưu, bàn tay gấu, gân nai, môi đười ươi, thịt chân voi và yến sào). Từng món được múc ra tô, đĩa rồi đặt trong các quả hộp bằng gỗ sơn son thiếp vàng. Các món ăn cung đình Huế lúc đầu là do truyền lại từ đời này sang đời khác, sau thì các sứ thần khi đi sứ về, họ cung tiến vua những món ăn lạ và ngon. Món nào đặc biệt sẽ được liệt vào danh sách rồi truyền tiếp sang đời sau, cứ thế, món ăn cung đình Huế trở nên phong phú và đa dạng hơn.

Trong nghệ thuật ẩm thực cung đình Huế, cỗ thường được chia làm nhiều hạng khác nhau như cỗ cúng trong những ngày lễ trọng đại, cỗ yến cho các quan hay tiếp sứ thần, cỗ yến ban cho các các vị tân khoa đỗ tiến sĩ. Về số lượng món ăn cũng có sự khác nhau, ví như cỗ hạng lớn có đến 161 món, cỗ quý có 50 món, cỗ điểm tâm có 12 món, cỗ chay cúng chùa có 25 món. Vua Gia Long ăn uống giản dị nhất. Ngược lại, thì vua Đồng Khánh ăn uống rất cầu kỳ, mỗi bữa ăn có 50 món khác nhau, do 50 người đầu bếp nấu nướng cho hoàng cung.

Có thể nói ẩm thực cung đình Huế là đỉnh cao của nghệ thuật ăn uống Việt Nam bởi nó luôn biểu hiện sự tinh túy, cầu kì, trang nhã và thanh cao, đầy sức cuốn hút. Nhà văn Nguyễn Tuân từng nhận xét, người Huế ăn bằng mắt, bằng mũi trước khi ăn bằng miệng. Những loại rau dưa, củ quả được cắt tỉa tinh vi thành những hình thù sống động, kèm theo tên gọi mỹ miều. Nền văn hóa ẩm thực cung đình Huế chính là phần tinh túy, cốt lõi nhất của văn hóa ẩm thực Huế và kể cả văn hóa ẩm thực Đại Việt xưa. Văn hóa ẩm thực cung đình không chỉ là nghệ thuật chế biến, trình bày các món ăn, mà cao hơn là quan niệm triết lý, tư tưởng thẩm mỹ trong thưởng thức món ăn.
Có dịp mô tới Huế tham quan thì bạn đừng ngại ngần chi mà không chọn cho mình một thứ phương tiện rẻ tiền mà mang lại cho mình nhiều điều thú vị về Huế, về phong cách rất chi Huế. Hãy chọn xích lô mà đi thì chuyến tham quan sẽ mang đến cho bạn nhiều điều, như chưa từng biết về Huế, mảnh đất cố đô trầm mặc bên bờ sông Hương thơ mộng sâu lắng thiết tha và cảm xúc.


Huế một thành phố nhỏ như một lòng bàn tay bạn, có thể đi chưa hết một ngày đường thì Huế thương của bạn đã ở cuối mọi con đường rồi đó nghe. Để có một chuyến đi với những khám phá thú vị về Huế thì bạn yên tâm lên xích lô, để rồi đôi bàn tay bạn xòe rộng ra cũng không che lấp hết mọi điều bí ẩn chưa từng được bật mí về Huế tôi trong cảm xúc của bạn.



Cũng như mọi phương tiện giao thông khác trên mọi miền đất nước Việt Nam thân yêu. Cũng bình dị thân quen như xích lô của mọi thành phố trên khắp mọi phố phường Việt Nam thôi. Một thứ phương tiện giao thông gần gũi với bao người, bình dân về giá mà lại an toàn nhất khi tham gia giao thông. Một thú vui an nhàn mà mọi người dân Việt thường hay chọn để đi và cũng như mọi lữ khách thập phương trên thế giới. Khi đến Việt Nam đều khoái đi xích lô để tham quan phố phường.



Đi xích lô Huế lạ lắm, vừa lãng đãng, lại vừa an nhàn như vừa được tận hưởng cái cảm giác của một thú vui làm ai ai cũng thấy dễ chịu. Chính vì rứa mà đi xích lô trên đường phố Huế, dù là khách lạ hay khách quen, bao giờ cũng có cảm giác như mình vừa đi đâu xa mới được trở về nhà, về với Huế yêu thương và gần gũi vô cùng. Ngồi trên xích lô chạy êm êm chậm lướt đi qua những con đường rợp bóng lá me bay.  Đi ngang qua những thành quách, phố xá, qua dòng sông Hương thơ mộng và cả những khu vườn yên tĩnh ở lối về thôn Vỹ bình yên, một cảm giác lâng lâng đủ để cho bạn cảm nhận về một thành phố yên bình, thơ mộng mà đâu phải thành phố nào cũng có được như Huế mô.



Bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông. Mỗi mùa đều có một cái thú vui riêng khi đi xích lô. Mùa đông, thì mọi thứ đều chậm như xích lô vì cái không khí lành lạnh của Huế... Mùa Xuân thì Huế chìm trong mưa xuân lất phất bay mù mịt như sương khói đôi lúc làm tay bạn phải co ro vì lạnh. Mùa hè thì cái nóng nung người, thì có gì khoái hơn khi chiều hè, mà ngồi trên xích lô cứ nhè nhẹ lăn bánh qua cầu Tràng Tiền lồng lộng gió mát rượi. Cứ vi vu thoải mái cùng xích lô qua mọi con đường giăng giăng đầy lá bay. Một ngày hè oi ả như không còn dài lắm đâu. Mùa Thu thì Huế rất đẹp, cứ ngả mình đưa mắt lên trời cao mà ngắm mây bay giữa trời cao xanh thẳm. Huế rất xanh và rất tím mỗi độ Thu về. Chút gì đó lâng lâng trong cảm xúc, làm gợi nhớ miên man sâu lắng bao điều trong đời. 



Cảm xúc của bạn ở Huế sẽ trải dài hơn ra và rộng lớn hơn nhiều. Luôn mơn man đọng lại trong cả chiều sâu tâm tưởng của bạn về một trải nghiệm thú vị qua chuyến đi. Một thú vui an nhàn lại luôn mang đến nhiều cảm xúc, làm cho bạn yêu Huế thêm nhiều. Nếu như sự xê dịch của bạn là một phương tiện bình dân quen thuộc là xích lô.


Nhắc đến Huế người ta thường nghĩ ngay đến các cung điện, đền đài mang hơi thở cổ xưa một thời vua chúa huy hoàng. Ai cũng muốn một lần du lịch Huế để tận mắt nhìn thấy những bằng chứng sinh động của triều đại phong kiến cuối cùng. Không chỉ thế, nét dịu dàng thư thái và cuộc sống chậm rãi nơi đây cũng được nhiều người yêu thích.

Di chuyển: Phương tiện, di chuyển khi du lịch Huế
Máy bay: Sân bay Phú Bài vừa mở cửa sau thời gian nâng cấp để phục vụ du lịch Huế. Hàng ngày đều có chuyến bay từ  TP.HCM và Hà Nội đến Huế với nhiều hãng như Vietnam Airlines, VietjetAir, Jetstar giá vé khoảng từ 800K/chiều.

Tàu hỏa (Xe lửa): Từ TP.HCM và Hà Nội cũng có tàu đến Huế. Với những ai dư dả thời gian và muốn trải nghiệm cảnh đẹp trên đường đi thì nên chọn phương tiện này.

Xe khách: Rẻ và dễ dàng, nhưng tốn khoảng 1 ngày để di chuyển từ Hà Nội/ Sài Gòn đến Huế.

Di chuyển trong nội thành Huế: Bạn có thể thuê xe máy để di chuyển và khám phá du lịch Huế. Gía thuê từ 100-200K/xe/ngày. Tham quan Đại Nội thì nên thử xích lô để dảm nhận hết nét mộc mạc, bình dị ở đây.

Tham quan: Di tích, bãi biển, điểm tham quan của du lịch Huế

TRONG THÀNH PHỐ HUẾ

Trung tâm thành phố Huế tập trung rất nhiều khách sạn phục vụ cho nhu cầu tham quan và nghỉ dưỡng của du khách. Hãy tận hưởng cảm giác đắm mình trong một không gian hiện đại và sang trọng tại một khách sạn 5 sao ở Huế mà không phải lo lắng nhiều về chi phí lưu trú. Nếu đến Huế để công tác, bạn cũng có thể dễ dàng tìm được khách sạn theo tên đường để thuận tiện cho vị trí của mình như khách sạn đường Bà Triệu, khách sạn đường Lăng Cô, khách sạn đường Hùng Vương…

Đại Nội: Hoàng thành nằm bên trong kinh thành Huế là địa điểm đầu tiên bạn nên ghé qua khi du lịch Huế.  Sau hơn 100 năm, những công trình kiến trúc đồ sộ ở Đại Nội chỉ còn lại ít ỏi chiếm không đầy một nửa con số ban đầu nhưng vẫn mang trong mình nét uy nghi của triều đình phong kiến một thời. Đại Nội khá rộng, bạn nên dành  thời gian khoảng 1 buổi hoặc 1 ngày để khám phá hết.

Nghe ca trù trên sông Hương: Dòng sông Hương thơ mộng cũng là niềm tự hào của du lịch Huế. Buối tối, khi trời mát mẻ, bạn có thể mua vé, tầm 50K, để lên thuyền nhìn ngắm kinh thành cổ trong đêm và nghe những giai điệu mang bạn quay về quá khứ hàng trăm năm trước.

Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế : (nằm trong  Điện Long An, ngôi điện đẹp nhất trong hệ thống cung điện triều Nguyễn) là nơi trưng bày các bộ sưu tập đồ dùng cổ, áo mão và đồ ngự dụng của vua chúa đời nhà Nguyễn. Kiến trúc được giữ theo lối cung đình đẹp mắt.

KHU VỰC GẦN THÀNH PHỒ HUẾ

Các lăng tẩm: Đi du lịch Huế không thể không tận mắt đến xem các công trình cổ xưa huy hoàng này. Các lăng tẩm của các đời vua ở  Huế đều có nét riêng và những câu chuyện lịch sử thú vị. Tuy nhiên các lăng tẩm thường cách xa nhau và không nằm trong trung tâm thành phố. Bạn nên dành thời gian thuê taxi hoặc thuê xe tự lái (tầm 300K) cho 1 tour thăm quan các lăng tẩm như Lăng Tự Đức, Lăng Minh Mạng, Lăng Khải Định.

Điện Hòn Chén:Cụm di tích của du lịch Huế gồm khoảng 10 công trình kiến trúc to nhỏ khác nhau đều nằm lưng chừng sườn núi Ngọc Trản, hướng mặt ra sông Hương, ẩn mình dưới những tàng cây. Điện Hòn Chén có một vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân xứ Huế, ngôi điện duy nhất ở Huế có sự kết hợp giữa nghi thức cung đình và tín ngưỡng dân gian. Đây cũng là nơi trang trí mỹ thuật đạt đến đỉnh cao vào cuối thế kỷ 19.

Chùa Thiên Mụ: Danh thắng không thể bỏ qua trong hành trình du lịch Huế. Được xây dựng từ những năm 1.600 và được bảo tồn qua nhiều lần, chùa Thiên Mụ thu hút nhiều du khách bởi vẻ nguy nga tráng lệ nhưng cũng không kém phần thanh tịnh, nên thơ. Để đến Chùa Thiên Mụ, bạn có thể đi đò dọc theo sông Hương, vô cùng lãng mạn.

Đồi Vọng Cảnh: Nằm cách thành phố khoảng 7 km. Từ Đồi Vọng Cảnh có thể nhìn thấy được sự nên thơ của thành phố Huế đặc biệt là khu Lăng tẩm của các vua Nguyễn và dòng sông Hương chảy ngang thành phố.

Núi Ngự Bình: Cùng với sông Hương, núi Ngự Bình là quà tặng thứ hai của tạo hoá tạo nên vẻ sơn thuỷ hữu tình của du lịch Huế. Từ lâu, ngọn núi xinh đẹp này cùng với sông Hương trong xanh đã trở thành biểu tượng của thiên nhiên Huế. Từ trên núi có thể phóng tầm nhìn ra khắp các địa danh nổi tiếng và cảnh thiên nhiên thơ mộng xung quanh.

KHU VỰC XA THÀNH PHỐ HUẾ

Núi Bạch Mã: Cách thành phố Huề tầm 60km. Núi Bạch Mã nổi tiếng bởi có những con suối và nhiều ngọn thác ngoạn mục.  Như thác Ðỗ Quyên cao 400m, hững ngày hè, hai bên bờ thác, hoa Ðỗ Quyên nổ rộ như hai thảm lụa hoa khổng lồ. Ở trung tâm khu nghỉ mát có ngọn thác Bạc cao 10m, rộng 40m. Ðứng trên đỉnh núi Bạch Mã du khách còn có thể thu vào tầm mắt toàn cảnh lộng lẫy của đèo Hải Vân, núi Túy Vân, đầm Cầu Hai và ánh điện lung linh của thành phố Huế vào ban đêm.

Biển Lăng Cô, Biển Thuận An, biển Cảnh Dương: Những bãi biển hiền hòa xứ Huế luôn nằm trong top các bãi biển đẹp nhất miền Trung, nơi tập trung nhiều khách du lịch Huế.

Suối nước khoáng nóng Thanh Tân: Cách Huề khoảng 20km, đây là khu du lịch nghỉ dưỡng đang hút khách của du lịch Huế. Đặc biệt ngoài tác dụng tốt với sức khỏe, làm sảng khoái tinh thần, chữa một số bệnh, tại đây còn xây dựng nhiều công trình kết hợp vui chơi cho du khách.

Ăn: Quán ăn, ăn vặt, đặc sản của du lịch Huế
Nói đến đặc sản Huế có vô vàn món không thể kể hết, nhưng nếu đã đến đây, bạn nhất định phải thử:

1. Cơm hến: Bán rất nhiều ở các quán và gánh hàng rong khắp Huế. Gía rất rẻ và ăn khá lạ miệng.

2. Vả Huế: món ăn dân dã của Huế. Cây Vả cho trái ăn vừa ngọt vừa bùi, có thề làm món rau sống kèm với những món ăn như bún thịt nướng, bún thịt kẹp tôm chua, bánh khoái, thịt bò nhúng dấm…, vả trộn xúc ăn với bánh tráng, vải kho chung với thịt heo, thịt bò, cá rô, cá nục, cá ngừ…

4. Bún bò Huế: Món ăn quen thuộc nhưng sẽ cảm nhận thật khác khi ăn ở “gốc” Huế. Những sợi bún trắng trong nổi bật trên đó là những viên mọc hồng (được viên từ giò sống và thịt cua), những miếng móng giò được ninh mềm nhừ, kèm theo một chút gia vị mắm ớt chanh vô cùng thú vị, vừa cay, vừa nóng. Các quán bún bò có mặt ở khắp các con đường ở Huế.

4. Bánh bèo xứ Huế: Người Huế rất thích và đã thành thói quen dùng loại bánh đầy hương vị quê nhà này vào các bữa ăn phụ. Ngoài cách gánh hàng rong quen thuộc, ở Huế bây giờ còn mọc lên nhiều “phố bánh bèo” quanh cung An Định, đường Ngự Bình, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm…

5. Bánh lọc “Mụ Đỏ”: Ở Huế có nhiều quán bánh bèo, nậm lọc nhưng không ai là không biết đến quán bánh lọc bà Đỏ. Dân Huế thường gọi quán bánh bèo, nậm, lọc Bà Đỏ là quán bánh lọc Mụ Đỏ. Ngoài các loại bánh như bánh lọc, bánh bèo, bánh nậm, ở đây còn có món bánh lá chả tôm rất ngon. Địa chỉ: 71 Nguyễn Bỉnh Khiêm.

6. Bánh khoái : Đổ bằng bột gạo xay đánh sệt với nước và lòng đỏ trứng, sau đó thêm tiêu, hành, mắm, muối, tôm bóc vỏ, thịt bò (hoặc chim) nướng thái lát, mỡ thái lát nhỏ, giá sống.

Thứ Tư, 26 tháng 3, 2014

Tham gia du lịch Đà Lạt thăm thành phố ngàn hoa, ngoài việc ghé thăm những địa điểm du lịch đã rất nổi tiếng, bạn có thể làm một tour du lịch nhỏ trong ngày ghé thăm ấp hoa Vạn Thành, một trong những khu vườn nổi tiếng nhât thành phố.

Những người nông dân trồng hoa nơi đây sẽ tạo điều kiện cho bạn vào vườn ngắm hoa, chụp hình và có thể sẵn lòng tặng bạn 1-2 cành hoa làm qùa.

Đà Lạt, không phải ngẫu nhiên mà được mọi người gọi với cái tên thành phố ngàn hoa như vây, đó là vì Đà Lạt có rất nhiều hoa. Hoa dại mọc khắp mọi nơi, trên những bờ tường, dọc đường đi, trước cửa mỗi ngôi nhà tạo nên một sắc mầu lãng mạn và thơ mộng, cùng với những rừng thông bạt ngàn tạo nên một vẻ đẹp dung dị mà có lẽ chỉ nơi đây mới có được. Ngày nay, Đà Lạt còn nổi tiếng hơn nữa vì là nơi cung cấp hoa tươi cho cả nước và vườn hoa nổi tiếng nhất Đà Lạt đó chính là ấp hoa Vạn Thành.

Nằm cách trung tâm thành phố khoảng 3 km, không hổ danh là làng hoa lớn nhất Đà Lạt. Làng hoa Vạn Thành là một trong sáu làng hoa truyền thống của thành phố, nơi cung cấp hơn 80% sản lượng hoa hồng của Đà Lạt. Làng hoa Vạn Thành được hình thành từ khi sáu người Hà Nam Ninh (hiện nay là Hà Nam) vào đây sinh sống. Ban đầu họ trồng rau nhưng từ năm 1960 thì bắt đầu chuyển sang trồng hoa. Đến nay diện tích trồng hoa đã lên tới hơn 100 ha trong đó 90% hộ dân chọn hoa hồng là loại hoa trồng chủ lực.

Bước vào vương quốc của muôn vàn những bông hoa hồng, bạn không chỉ được ngắm những cánh hoa đủ mầu sắc mà cọn được tận hưởng mùi hương dìu dịu tảo khắp trong vườn từ loài hoa này. Hoa hồng Vạn Thành chủ yếu được triết, ghép từ thân những cây hồng dại. Với chồi hoa hồng giống mới được nhập từ Hà Lan tạo ra nhiều mầu sắc và nhiều chủng loại hồng: hồng nhung, hồng cánh sen, hồng phấn, hồng vàng ánh trăng, hồng song tỉ…

Trồng hoa không chỉ đơn thuần là một cái nghề kiếm sống của người dân Phố Núi, mà đây còn là thế mạnh này góp phần tạo nên tên tuổi cho thành phố hoa Đà Lạt. Khi đến làng hoa Vạn Thành, bạn có thể ghé vào nhà dân mua cho mình một bó hoa thật đẹp với mọt mức giá thật hữu nghị hoặc nếu có thể bạn cũng có thể tự tay ngắt cho mình những bông hoa ưng ý nhất. Ngắm những bông hoa tươi tắn trên cây, không tô vẽ, không mầu mè như bản chất nó vốn thế, chắc chắn bạn sẽ không muốn rời khỏi làng nơi đây.
Thác Voi thuộc thị trấn Nam Ban (huyện Lâm Hà), cách Khu Hòa Bình 24km về hướng Tây Nam. Thác cao hơn 30m nằm trên dòng suối Cam Ly.

Thác nằm cách Đà Lạt chừng 25 km, có chiều rộng khoảng 40m, chiều cao hơn 30m. Bên thác có những tảng đá như chú voi con nên có tên gọi là thác Voi. Thác Voi ngày đêm ầm ầm đổ nước tạo nên những âm thanh như tiếng gầm của thú rừng.
Đây là một trong số ít thác còn giữ được nét hoang sơ của miền đất Tây Nguyên. Năm 2001 thác Voi đã được công nhận là di tích - thắng cảnh quốc gia.
Mặc dù dự án tôn tạo thác Voi được phê duyệt từ năm 2002 nhưng hiện nay, do không được quan tâm bảo trì đúng mức, cảnh quan thác Voi đang bị phá hủy.

Theo truyền thuyết ngày xưa, có một vị tù trưởng của vùng núi Jơi Biêng có cô con gái rất đẹp. Mỗi khi sơn nữ cất giọng hát thì lá rừng thôi xào xạc, đàn chim ngừng tiếng hót để lắng nghe. Người yêu của nàng là con trai của tù trưởng làng bên. Chàng được nhiều người yêu mến, quý trọng không chỉ bởi vóc dáng vạm vỡ, khuôn mặt khôi ngô mà còn vì sự gan góc, dũng cảm ít ai sánh kịp. Họ đã trao lời hẹn ước nên duyên chồng vợ song chàng trai phải lên đường giết giặc và rồi nhiều mùa trăng trôi qua mà chẳng thấy quay về. Cô gái đau khổ tìm đến ngọn núi hoang vắng mà trước kia họ từng hò hẹn, cất tiếng hát tha thiết, sầu thảm với hy vọng người trong mộng tìm về chốn xưa. Tiếng hát khiến loài chim B'ling xúc động. Chúng rủ nhau bay đi thật xa để dò la tin tức rồi về báo cho nàng biết là chàng trai đã hy sinh ngoài chiến trường.

Thế nhưng, sơn nữ vẫn không chịu chấp nhận sự thật phũ phàng đó. Nàng cứ hát, hát mãi cho đến khi kiệt sức, ngã quỵ và không bao giờ gượng dậy được nữa. Đàn voi phủ phục nghe nàng hát bấy lâu nay cũng hóa đá lặng câm. Bỗng có tiếng nổ lớn, trời đất rung chuyển khiến ngọn núi gãy ngang và một dòng thác đột ngột tuôn chảy, tung bọt trắng xóa. Tiếng thác nước rì rầm hòa cùng tiếng xào xạc của rừng cây, tiếng líu lo chim hót như tiếp nối lời ca, tiếng đàn của sơn nữ xinh đẹp, thủy chung. Người K'ho bèn đặt tên cho thác là Liêng Rơwoa Jơi Biêng - thác của những con voi phủ phục hóa đá trước tình yêu nồng nàn, son sắt.
Làng Cù Lần là một ngôi làng nhỏ xinh đẹp, lãng mạn ( rộng chừng 30 héc-ta ) nằm lọt thỏm giữa hàng ngàn héc-ta rừng nguyên sinh hoang dã dưới chân đỉnh núi LangBiAng trải rộng. Làng Cù Lần cách Hồ Xuân Hương 21 km, cách khu du lịch Thung Lũng Vàng 9 km vào hướng Suối Vàng - Suối Bạc. Dòng suối Bạc là dòng suối nằm trong Làng Cù Lần. Du khách đi qua tỉnh lộ 722, một trong những con đường đẹp nhất Việt Nam để đến Làng Cù Lần.


Làng tồn tại từ thập niên 60 của thế kỷ 20. Dân tộc K'Ho của làng ngoài việc canh tác, săn bắt, hái lượm còn sống bằng hai nghề chính là khai thác cây Cù Lần - chế tác thành con Cù Lần trừu tượng mang ra Hồ Xuân Hương bán cho du khách (người ta thường gọi là con CuLi hoặc con cù lần có bộ lông màu vàng có tác dụng y học trong việc cầm máu). Đồng thời, người K'Ho lúc bấy giờ cũng vào rừng "nhặt" con Cù Lần dễ thương, có đôi mắt đẹp nhất thế gian đem về nuôi hoặc bán cho du khách phương xa. Cù Lần là loài động vật hiền lành chủ yếu sống về đêm. (Ngày nay, Cù Lần được liệt vào loại động vật quý hiếm trong Sách Đỏ). Cù lần nổi tiếng hiền lành, khi gặp bất kỳ sự nguy hiểm nào thì Cù Lần nằm cuộn tròn lại dùng hai tay che kín đôi mắt quý giá của mình. Người ta chỉ việc "nhặt" lấy con Cù Lần bỏ vào gùi mang về. Dân làng ở đây hiền
lành, mộc mạc và cũng rất cù lần dí dỏm nói rằng khi gặp nguy hiểm, Cù Lần che mắt lại để không nhìn thấy sự nguy hiểm mà đối với cù lần không thấy sự nguy hiểm là không có hiểm nguy gì cả, ai muốn làm gì thì làm.

Ngày nay Làng Cù Lần được Công ty GBQ đầu tư tôn tạo đưa vào khai thác du lịch. Làng Cù Lần phục vụ 5 mảng chính là Đón khách tham quan, sân chơi teambuilding, căm trại, nghỉ dưỡng, nhà hàng và nhiều dịch vụ tuyệt vời gắn với thiên nhiên.
Làng Cù Lần chính thức đón khách vào giữa năm 2011 và lập tức trở thành sự kiện đẹp ngay trong năm đầu tiên, góp phần thay đổi diện mạo du lịch của Lâm Đồng, làm phong phú thêm các tour du lịch trong và ngoài nước đến Đà Lạt, Lâm Đồng. Đặc biệt Cù Lần đã làm hài lòng hơn 1,5 triệu du khách trong 2 năm qua bằng chính sự Cù Lần, độc đáo của riêng mình.

Chùa Linh Phước tự tọa lạc trên một khu đất nằm bên phải quốc lộ 20 - đường từ Đà Lạt đi Cầu Đất, thuộc địa bàn Trại Mát, phường 11. Chùa được khởi công xây dựng vào năm 1949 và hòan thành vào năm 1952 do Phật tử địa phương phát tâm đóng góp.

Năm 1990 dưới sự thiết kế và chỉ huy thi công của Thầy Trụ trì đời thứ năm là Thượng Tọa Thích Tâm Vị và sự đóng góp của Phật tử địa phương cùng Phật tử các nơi, Chùa đã được xây dựng lại toàn bộ như ngày nay.
Công trình đầu tiên gây được ấn tượng với khách hành hương là Long Hoa Viên, tạc hình con rồng uốn lượn dài tới 49 m quanh tượng đài Phật Di Lạc. Vây rồng được làm bằng 12.000 vỏ chai bia, bên cạnh thân rồng có hồ nước và hòn giả sơn, có tượng Phật Di Lạc ngự trên đỉnh.
Đến với Chùa Linh Phước, ngoài việc dâng hương lễ Phật, du khách còn được thưởng ngoạn những kiến trúc được xây dựng công phu. Trước hết phải kể đến chánh điện và Tiền đàng bảo tháp, một công trình kiến trúc đồ sộ và độc đáo: chánh điện dài 33 m, rộng 22 m; Tiền đàn bảo tháp cao 27 m được chạm trổ hình rồng. Lầu 1 có gian thờ 108 tượng "Thiên thủ thiên nhãn". Trong nội điện, tượng Phật Thích Ca cao 4,9 m kể cả tòa sen, được làm bằng bê-tông cốt thép, bên ngoài thiếp vàng, phía là bức phù điêu cảnh Bồ Đề Thọ rất sống động.
Dọc hai bên chính điện là hai hàng cột rồng khảm mảnh sành tương tự như phong cách khảm tại các lăng mộ vua nhà Nguyễn. Bên trên hai hàng cột ấy là những bức phù điêu khảm sành mô tả lịch sử Đức Phật Thích Ca từ giáng sinh đến nhập niết bàn. Hai bên vách chánh điện từ ngoài thẳng vào trong phần dưới khảm chai đà trông giống như đóng lam-ri bằng cây trúc. Phía trên điêu khắc những bức tranh về những điển tích kinh A-di-đà, Quán Vô Lượng Thọ và kinh Pháp Hoa. Phía sau Tổ đường thờ Tổ Bồ-đề-đạt-ma, bức phù điêu Thập bát La Hán và Thập mục Ngưu đồ, tất cả đều có vẻ đẹp hoành tráng làm du khách phải kinh ngạc.

Trước Long Hoa Viên là tòa Linh tháp 7 tầng, cao 37 m (được xem là tháp chuông cao nhất Việt Nam hiện nay được Vietbooks xác lập số 528/KLVN/2008 vào ngày 05/05/2008) đây là nơi thờ các tôn tượng Phật quý và cũng là bảo tàng viện. Lầu 1 còn có Đại hồng chung (đúc vào cuối năm Kỷ Mão 1999), Chuông cao 4,3 m, đường kính 2,3 m và nặng tới 8,5 tấn. Việc đúc chuông có sự đóng góp vật lực, tài lực của Phật tử, du khách từ Bắc chí Nam, trong nước và ngoài nước.. Một nhóm nghệ nhân Huế đã có 3 đời đúc chông được mời đến đã dành ra hơn một năm để tạo khuôn, đúc và chạm khắc những hình ảnh trên chuông, bao gồm các ngôi chùa nổi tiếng của nước ta, tượng Phật nghìn mắt nghìn tay, các thắng cảnh… Toàn bộ ngôi Tháp trang trí rồng phượng hoa văn điển tích tứ thời, tứ quý, bát âm, bát bửu … từ mái đến vách trong ngoài lancan, cột cửa đều khảm sành rất công phu. Mua hàng trăm tấn miểng sành sứ từ Bát Tràng Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, tỉnh Song Bé, Bình Dương về tôn tạo chùa và bảo tháp.

Trước sân chùa còn có Bảo đài Quan Thế âm Bồ Tát tạo dáng rất hài hòa cân đối. sau đài Quan Âm là bãi đậu xe rộng rải cho khách hành hương về tham quan lễ bái.
Bên phải chùa là khu vực nội viện. Ngôi nhà Tăng là nơi sinh hoạt của chư Tăng. Nhà tăng gồm 3 tầng, trên cùng là Tịnh Đường và ao sen bán nguyệt. Tầng giữa và tầng trệt là các phòng cho Tăng chúng. Chính giữa nhà là phòng khách lớn và thư viện của chùa. Trước sân nhà Tăng là tháp mộ của Hòa Thượng Thượng Quang hạ Lý và hoa viên tươi mát cùng bức phù điêu sơn thủy sống động.
Chùa Linh Phước là một trong những danh thắng nổi tiếng của Thành phố Đà Lạt, là công trình kiến trúc khảm sành đặc sắc, đậm đà bản sắc Á Đông. Hằng năm thường xuyên đón tiếp du khách từ khắp nơi trong và ngoài nước đến lễ bái và tham quan công trình khảm sành độc đáo này.